Hành Trạng Vô Minh Huệ Kinh

Sau khi được khai ngộ, sư đi du phương khắp nơi. Đầu tiên đến yết kiến thiền sư Tình Canh Vũ Độc. Năm 27 tuổi, sư mới thọ giới cụ túc. Từ đó về sau, trong suốt 24 năm sư không xuống núi Nga Phong.

Vào năm thứ 26 (1598) niên hiệu Vạn Lịch (萬曆), nhận lời thỉnh cầu sư đến trú trì chùa Bảo Phương (寳方寺) trong làng, tự mình làm việc trong vòng mấy năm sau thì dựng được một ngôi điện đường mới tại đây và đông đúc khắp nơi tăng chúng đến tham học.

Sau đó, sư đi tham quan khắp chốn tùng lâm, qua Nam Hải (南海), thăm viếng thiền sư Vân Thê Châu Hoằng (雲棲袾宏)- vị tổ thứ 8 của Tịnh Độ Tông. Rồi đến lễ bái tháp của sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma tại chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn.

Tiếp theo, sư đến thăm thiền sư Tử Bá Đạt Quán, rồi vào Ngũ Đài Sơn (五臺山) tham yết thiền sư Thoại Phong (瑞峰), sau đó sư trở về Bảo Phương Tự, bắt đầu xiển dương tông phong Tào Động tại đây và có rất nhiều người đến tham học.

Vào năm thứ 36 (1608) niên hiệu Vạn Lịch, thể theo lời thỉnh cầu của tứ chúng,sư đến trụ trì Thọ Xương Tự (壽昌寺) ở Tân Thành (新城). Mấy năm sau sư tiến hành trùng tu lại các ngôi đường vũ bị hoang phế, vẫn tiếp tục làm lao tác, chuyên tâm giáo dưỡng đồ chúng bằng kệ tụng và pháp ngữ.

Phong cách sư khá dản dị, sư theo tinh thần sinh hoạt của Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải ngày trước: "Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực " (一日不作一日不食), nghĩa là một ngày không làm, một ngày không ăn. Dù là bậc tông sư nổi tiếng trong Thiền tông và Phật Giáo nhưng hằng ngày sư vẫn cuốc đất, làm nông, tham gia nông Thiền, đề cao tinh thần sinh hoạt tự túc trong tăng đoàn.

Sư có xuất bài kệ truyền Pháp Phái:

慧元道大興 

法界一鼎新 

通天兼徹地 

耀古復騰今 

Huệ Nguyên Đạo Đại Hưng

Pháp Giới Nhất Đỉnh Tân

Thông Thiên Kiêm Triệt Địa

Diệu Cổ Phục Đằng Kim

Đến tháng 1 năm thứ 46 cùng niên hiệu trên (1617), sư bệnh nhẹ rồi gọi môn đệ lại dặn dò, cầm bút viết: " Hôm nay chỉ dạy rõ ràng" rồi an nhiên tọa Thiền thị tich, hưởng thọ 71 tuổi. Môn đệ trà tỳ nhục thân sư và xây tháp thờ xá-lợi tại phương trượng. Thiền sư Hám Sơn Đức Thanh soạn bài Tân Thành Thọ Xương Vô Minh Kinh Thiền Sư Tháp Minh.